Bệnh tụ huyết trùng trâu bò – Chẩn đoán và cách phòng trị bệnh
Bệnh tụ huyết trùng trâu bò là căn bệnh truyền nhiễm ở gia súc có thể phát triển quanh năm. Bệnh này được đánh giá là rất nguy hiểm với vật nuôi. Bài viết sau đây sẽ giúp bà con tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân, cách phòng tránh bệnh cho gia súc tốt nhất.
Nguyên nhân và điều kiện lây nhiễm bệnh tụ huyết trùng trâu bò
Nguyên nhân
Bệnh này do vi khuẩn Pasteuralla gây nên với đặc trưng là xuất hiện các vụ tụ máu kèm theo xuất huyết ở các vị trí trong cơ thể. Khi vi khuẩn đi vào sâu cơ thể sẽ gây nên nhiễm trùng máu. Bệnh này thường xảy ra ở trâu bò nên gọi là huyết trùng trâu bò.
Vi khuẩn gây bệnh có sẵn trong môi trường đất, nước, dễ phát tán nhất vào mùa mưa do nước đem theo vi khuẩn dính lên rơm cỏ, thức ăn gia súc. Chúng có thể tồn tại và ký sinh ở niêm mạc mũi, hầu và tuyến hạnh nhân của trâu bò mắc bệnh.
Điều kiện lây nhiễm
Bệnh này có thể lây lan trực tiếp từ trâu bò bị bệnh sang các con khỏe mạnh thông qua nước bọt dính vào cơ thể trong khi chúng tiếp xúc với nhau hoặc trong thức ăn, nước uống chung. Ngoài ra, bệnh có thể lây qua trung gia như côn trùng; chó mèo; chuột;… qua các vết cắn hoặc vết thương hở;…. Nếu đàn vật nuôi từng mắc bệnh này và chữa khỏi 1 nửa thì vẫn còn 1 nửa khác mang mầm bệnh trong cơ thể.
Vi khuẩn tụ huyết trùng có thể tồn tại trong điều kiện ẩm, thiếu sáng; trong đầm lầy, ao tù nước đọng hoặc chuồng trại từ 1 – 3 tháng. Tuy nhiên, vi khuẩn có sức chống chịu không cao nếu tồn tại lâu ngoài vật chủ. Chúng có thể bị tiêu diệt bằng nước nóng trên 60 độ C trong khoảng 20 phút. Hoặc khi phơi dưới ánh mặt trời thì vi khuẩn chịu được tối đa 12h. Vi khuẩn này cũng dễ bị tiêu diệt bởi các loại thuốc sát trùng thông thường. Đặc biệt, với một số hóa chất mạnh như nước vôi 10%; axit fenic 5% hay formol 1% thì chúng có thể dễ dàng bị tiêu diệt trong 1 – 3 phút.
Đặc điểm dịch tễ của bệnh tụ huyết trùng trâu bò
Bệnh này thường xảy ra ở trâu nhiều hơn bò. Trâu ở mọi độ tuổi đều có khả năng mắc bệnh cao. Lứa tuổi có sức đề kháng kém nhất với bệnh là từ 6 tháng – 2.3 năm tuổi. bệnh có thể lây lan sang những vật nuôi khác như ngựa, dê, lợn,… thông qua đường hô hấp, vết thương hở ngoài da hoặc vật trung gian.
Bệnh khi xảy ra sẽ khiến hệ miễn dịch của trâu bò yếu đi; trâu dễ bị cảm lạnh do môi trường ẩm ướt hoặc không được vệ sinh. Ngoài ra, nếu trâu bò bị bỏ đói cũng khiến cơ thể bị bệnh do không có khả năng chống lại hoặc kìm hãm vi khuẩn. Ở Việt Nam, bệnh này thường xảy ra vào đầu mùa mưa hoặc sau lũ khoảng từ tháng 4 – tháng 10 hàng năm trên khắp cả nước.
Triệu chứng và bệnh tích của bệnh tụ huyết trùng trâu bò
Bệnh sẽ biểu hiện ở 3 thể khác nhau:
+ Thể ác tính: sốt cao, toàn thân run rẩy; biểu hiện thần kinh như điên cuồng, hung dữ, đập đầu vào tường; tử vong nhanh sau 24h và ít triệu chứng lâm sàng.
+ Thể cấp tính: thời gian ủ bệnh dài từ 1 – 3 ngày và không có biểu hiện nhai lại; sốt cao 40 – 41 độ C; nước mắt và nước mũi chảy liên tục; dưới da, mũi, miệng có xuất hiện tụ máu đỏ sẫm hoặc tối xám. Yết hầu, hạch lâm ba sưng khiến vật nuôi bị khó thở, phải thè lưỡi. Trâu bò di chuyển khó khăn; xuất hiện các viêm màng phổi, tràn dịch, tụ huyết và viêm phổi cấp. Một số con sẽ xuất huyết trong chùm hạch ruột to, niêm mạc ruột có tụ máu và xuất huyết rồi tróc từng mảng; đi ngoài dữ dội lần máu trong phân.
+ Thể mãn tính: nếu trâu bò mắc bệnh không chết, sau khi có biểu hiện cấp tính sẽ chuyển sang mãn tính: viêm đường ruột khiến vật nuôi bị táo bón, ỉa chảy; khớp viêm khiến di chuyển khó, đi tập tễnh; viêm phế quản, viêm phổi mãn tính khiến ho kéo dài. Vài tuần sau vật nuôi có thể khỏi bệnh nhưng khiến cơ thể suy kiệt, gầy rộc.
Cách phòng bệnh tụ huyết trùng trâu bò
+ Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, chuồng thiết kế đủ nắng để diệt khuẩn. Thức ăn cần đảm bảo vệ sinh, chăm tốt.
+ Sát khuẩn, tiêu độc chuồng trại và môi trường xung quanh định kỳ. Đảm bảo môi trường chăn nuôi phải khô ráo, thoáng mát.
+ Tiêm phòng vacxin tụ huyết trùng định kỳ 6 tháng/lần cho đàn gia súc.
+ Cách ly gia súc ốm và thông báo cho cán bộ thú y khi có gia súc nghi mắc bệnh.
+ Không giết mổ gia súc, buôn bán gia súc bị bệnh. Gia súc mắc bệnh cần được chôn, rắc vôi bột và sát trùng chuồng trại.
+ Tăng thức ăn dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để trâu bò tăng sức đề kháng.
+ Làm theo hướng dẫn và chỉ đạo của cơ quan chuyên môn khi vùng dịch.
Cách điều trị bệnh tụ huyết trùng trâu bò
+ Sử dụng 1 trong các kháng sinh sau: Streptomycine kết hợp với Peneciline; Gentamycine; Ampiciline; Tetracyline; Enrofloxacine; Thiamfenicol…Nếu sử dụng Streptomycine và Peneciline để điều trị thì tiêm riêng rẽ, không pha chung vào để tiêm, tránh giảm hiệu lực của thuốc.
+ Dùng Cefalosporin để điều trị; trâu bò trưởng thành thì dùng 5 -6g/lần/ngày trong 3 – 5 ngày.
+ Nếu bệnh diễn biến nhanh, phức tạp thì cần tuân thủ điều trị sớm, đủ đúng liều và liệu trình.
+ Nếu trâu bò sốt cao thì dùng thuốc hạ sốt và bổ sung thêm vitamin, thuốc trợ sức để vật nuôi mau lành bệnh.
+ Kết hợp chăm sóc đàn trâu bò tốt để chúng phục hồi nhanh.
Trên đây chúng tôi đã chia sẻ đến bà con các thông tin liên quan đến bệnh tụ huyết trùng trâu bò. Hy vọng bài viết trên sẽ hữu ích với bà con.
Vũ Cao Cường / 0 Bình luận / 16/ 11/ 2020