Cách phòng và trị bệnh lở mồm long móng ở trâu bò hiệu quả
Trong quá trình chăn nuôi, gia súc bị nhiễm bệnh là điều không thể tránh khỏi. Một trong số đó là bệnh lở mồm long móng ở trâu bò. Đây là một trong những căn bệnh truyền nhiễm cấp tính vô cùng nguy hiểm ở gia súc; gây nên nhiều thiệt hại trong chăn nuôi. Việc hiểu rõ về căn bệnh này sẽ giúp bà con có được những giải pháp để phòng và trị bệnh hiệu quả nhất.
Nguyên nhân gây lở mồm long móng ở trâu bò
Bệnh xuất hiện do virus lở mồm long móng gây nên. Loại virus này có khả năng chống chịu được trong nhiều điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Chúng có thể tồn tại trong đất ẩm hàng năm trời, phơi nắng liên tục vài giờ mới có thể chết hẳn; chịu được nhiệt độ cao lên tới 70 độ C; sống được đến 5 – 6h trong thuốc sát trùng mạnh;….. Ngoài ra, chúng còn tồn tại trong mụn nước, màng bọc mụn nước, xâm nhập vào vật chủ để lây bệnh qua đường tiêu hóa hay vết thương ngoài da. Có thể thấy, khả năng tồn tại của loại virus này vô cùng cao.
Các triệu chứng của bệnh lở mồm long móng ở trâu bò
Triệu chứng của bệnh này được chia thành 2 kiểu:
Triệu chứng cục bộ
- Thời gian ủ bệnh trong khoảng 3 – 7 ngày; thời gian ủ bệnh trung bình là 3 – 4 ngày; một số trường hợp cá biệt có thể nhanh hơn trong vòng 24h.
- Thể nhẹ: Khi trâu bò mắc bệnh sẽ xuất hiện nhiều mụn nước trong niêm mạc miệng, vú, chân, vùng da mỏng sau 2 – 3 ngày. Lúc này, miệng gia súc sẽ chảy nhiều dãi như trào bọt xà phòng.
- Thể nặng: có biến chứng xảy ra do quá trình chăm sóc gia súc bị bệnh không giữ vệ sinh; mụn nước bị vỡ gây nhiễm trùng, viêm nhiễm thành các vùng khác nhau trên cơ thể; xuất hiện nhiều mủ ở nơi mụn vỡ. Khi bị nhiễm trùng trâu bò sẽ sốt cao, ăn kém hoặc bỏ ăn.
Triệu chứng toàn thân
Khi bị lở mồm long móng, trâu bò thường mệt mỏi, ủ rũ, cơ thế sốt cao từ 40 – 41 độ C; di chuyển lù đù, khô mũi; ăn chậm, ít hoặc không ăn. Khi nhiễm trùng dẫn đến viêm nhiễm thì sẽ xuất hiện mủ khiến vật nuôi khó di chuyển, chi chuyển chậm hoặc không thể đi lại được.
Bệnh tích lở mồm long móng
- Chân: mụn lở loét ở các kẽ móng và khiến móng trâu bò bị long ra. Nếu khỏi bệnh phần chân sẽ có sẹo.
- Đường tiêu hóa: dọc đường tiêu hóa từ niêm mạc miệng, lợi, chân răng, lưỡi, má, hầu và thừ quản, dạ dày, ruột đều có tình trạng xuất huyết, tụ huyết kéo thành từng mảng.
- Đường hô hấp: viêm dọc khí quản, bao gồm phổi và cả cuống phổi.
Cách chuẩn đoán bệnh lở mồm long móng ở trâu bò
Chuẩn đoán lâm sàng cho thấy vật nuôi sốt cao, phần niêm mạc miệng, kẽ móng, vú cùng các vùng da mỏng có xuất hiện mụn nước. Trâu bò chảy nhiều dãi, ăn ít hoặc bỏ ăn, ít di chuyển, dễ lây ra cả đàn thì tức nghĩa là gia súc đã nhiễm bệnh.
Cách phân biệt với một số bệnh khác
Có nhiều loại bệnh khác có biểu hiện tương tự với bệnh lở mồm long móng. Tuy nhiên, ngoài những triệu chứng chung thì còn có các biểu hiện khác như:
- Bệnh dịch tả trâu bò: gia súc sẽ bị tiêu chảy nhiều lần.
- Bệnh đậu bò: Mụn nước mọc sẽ có bờ xung quanh, không xuất hiện bệnh tích ở chân và miệng.
Cách phòng và trị bệnh lở mồm long móng ở trâu bò
Cách phòng bệnh
Phòng bệnh luôn là phương án tối ưu nhất để giúp ngăn chặn dịch lở mồm long móng ở trâu bò. Bà con có thể chủ động làm theo các hướng dẫn sau:
- Xây chuồng trại đúng cách, đúng quy định; đảm bảo sự thông thoáng cho gia súc khi nuôi.
- Chọn vật nuôi có giống tốt, khỏe mạnh và nguồn gốc rõ ràng.
- Cung cấp đủ dưỡng chất cho trâu bò trong quá trình nuôi; bổ sung các vitamin, men tiêu hóa, khoáng chất để tăng cường hệ miễn dịch, giúp gia súc chống lại được bệnh lở mồm long móng.
- Tiến hành vệ sinh chuồng trại hàng ngày; sát khuẩn và tiêu độc định kỳ xung quanh chuồng trại.
- Tiêm vacxin lở mồm long móng định kỳ đúng theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Hiện nay các loại vacxin này có sẵn trên thị trường với nhiều loại khác nhau gồm: vacxin đa giá, vacxin đơn giá, vacxin nhi typ 0&A. Tùy vào tình trạng của gia súc và hướng dẫn của cán bộ chuyên môn mà bà con chọn loại vacxin phù hợp nhất.
- Gia súc từ 2 tuần tuổi trở lên sẽ bắt đầu tiêm vacxin phòng bệnh. Vacxin sẽ có hiệu lực sau 10 ngày kể từ khi tiêm, thời gian miễn dịch kéo dài suốt 6 tháng sau đó.
Cách trị bệnh
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh lở mồm long móng ở trâu bò. Khi gia súc bị bệnh thường các cán bộ y tế sẽ sử dụng kết hợp các loại thuốc để hỗ trợ khiến cho vết loét nhanh phục hồi, như: oxy già, nhỏ xanh metylen; chanh; khế;….. Thêm vào đó, bà con cần vệ sinh chuồng trại thật sạch sẽ, đảm bảo bổ sung đủ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cho gia súc. Nếu làm tốt và đúng thì sau 10 – 15 ngày trâu bò sẽ khỏi bệnh.
Các biện pháp để chống chế bệnh dịch lây lan
Lở mồm long móng là loại bệnh dịch có thể lây lan rất nhanh và mạnh. Do đó, khi một con trong đàn nhiễm bệnh thì có khả năng cao các con khác cũng có thể nhiễm bệnh. Chính vì thế, bà con cần để cao cảnh giác, tích cực phòng và chữa bệnh, áp dụng các biện pháp khống chế bệnh khi mới phát hiện như:
- Thu gom, đốt toàn bộ cỏ, rơm rác hàng ngày trong chuồng. Chất thải gia súc như phân, nước tiểu phải cho vào hố rồi rắc vôi bột sống theo liều lượng 50kg bôi/1m3 chất thải rồi lấp kín lại.
- Thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh bằng các loại hóa chất có tính sát trùng mạnh.
- Kiểm soát toàn bộ vật nuôi; không để vật nuôi và các sản phẩm động động có nguy cơ nhiễm bệnh ra vào vùng có dịch.
- Tuyệt đối không giết mổ hay tiêu thị các sản phẩm gia súc bị nhiễm bệnh hoặc trong vùng có dịch.
- Không bán tháo gia súc từ vùng có dịch sang các vùng khác để tránh làm lây lan dịch.
- Báo ngay cho các cơ quan chức năng, cán bộ thú y khi phát hiện trâu bò mắc bệnh hoặc nghi nhiễm lở mồm long móng.
- Thực hiện tiêm phòng cho gia súc theo quy định.
- Tuyên truyền, cảnh báo người dân biết về tác hại, sự nguy hiểm của dịch bệnh. Đồng thời phối hợp cùng cơ quan chức năng, cán bộ thú y thực hiện đúng và đủ theo hướng dẫn khi có dịch. Điều này sẽ giúp công tác thực hiện phòng và khống chế dịch được tốt nhất.
Trên đây chúng tôi đã tổng hợp các thông tin liên quan đến cách phòng và trị bệnh lở mồm long móng ở trâu bò. Hy vọng thông tin trong bài sẽ hữu ích, cung cấp cho bà con những kiến thức cơ bản trogn quá trình chăn nuôi gia súc.
Vũ Cao Cường / 0 Bình luận / 24/ 09/ 2020